Câu hỏi quan trọng nhất cuộc đời

Tất cả mọi người đều muốn những thứ đem lại cảm giác tốt đẹp. Ai cũng muốn có một cuộc sống vô ưu, hạnh phúc và mọi thứ phải thật đơn giản. Có một tình yêu đẹp, có một vẻ ngoài hoàn hảo, kiếm được nhiều tiền, trở nên nổi tiếng, có danh phận và được kính trọng. Và khi họ bước vào phòng, họ muốn mọi người rẽ sang 2 bên để nhường lối cho mình.

Tất cả đều muốn điều đó — rất dễ dàng.

Nếu tôi hỏi, “Bạn muốn điều gì trong cuộc sống?” và bạn trả lời kiểu như, “Tôi muốn trở nên hạnh phúc, có 1 gia đình tuyệt vời và công việc tôi yêu thích,” thì câu trả lời này không có ý nghĩa gì cả.

Có một câu hỏi khác thú vị hơn, một câu hỏi mà có thể bạn chưa bao giờ suy nghĩ tới nó, khó khăn gì mà bạn muốn trong cuộc sống? Gian khổ nào mà bạn sẵn sàng đương đầu với nó? Câu trả lời cho câu hỏi này chính là thứ sẽ quyết định cuộc đời của bạn sẽ như thế nào.

Mọi người đều muốn một công việc trong mơ và tự chủ được tài chính — nhưng không ai muốn làm việc quần quật 60 giờ một tuần, mất một giờ đồng hồ để đến văn phòng, giải quyết mớ giấy tờ chất chồng đáng chán. Ai cũng muốn giàu sang mà không phải đánh đổi bằng mạo hiểm, hy sinh hay trì hoãn những sự hưởng thụ.

Chúng ta đều muốn một mối quan hệ đáng ngưỡng mộ, đi kèm với nó là sự hòa hợp tuyệt đối của tình dục — nhưng không ai muốn trải qua những cuộc tranh cãi nảy lửa, những khoảng lặng đáng sợ, những cảm xúc bị tổn thương, hay thậm chí là trị liệu tâm lý. Để rồi khi đã có 1 gia đình với nhau, nhiều người vẫn còn tự hỏi “Sẽ như thế nào nếu là lựa chọn khác (tốt hơn)?” trong 1 thời gian dài cho đến khi câu hỏi đó trở thành “Có phải đây là điều mình cần?” Và khi tìm thấy những tờ hóa đơn yêu cầu chu cấp cho vợ/chồng sau ly dị, chúng ta tự hỏi “Tất cả những cái này để cho điều gì?” nếu không phải trả cho những tiêu chuẩn và kỳ vọng đã bị hạ thấp xuống của 20 năm trước, thì nó là dành cho cái gì nữa?

Bởi vì hạnh phúc yêu cầu sự đấu tranh để đạt được. Điều tốt đẹp chính là kết quả tất yếu khi bạn giải quyết được những thứ khó khăn. Bạn chỉ có thể né tránh những vấn đề cho tới khi chúng trở lại và gây phiền toái cho cuộc đời của bạn.

Về bản chất của hành vi loài người, nhu cầu của chúng ta ít nhiều đều giống nhau. Những trải nghiệm tích cực được xử lý rất dễ dàng, còn những trải nghiệm tiêu cực khiến chúng ta phải vật lộn. Vậy nên những gì chúng ta nhận được trong cuộc sống không phải được xác định bởi những khao khát của chúng ta, mà bởi những thứ tồi tệ mà chúng ta sẵn sàng đương đầu và có khả năng vượt qua nó.

Mọi người muốn một cơ thể tráng kiện. Nhưng họ sẽ không có được nó nếu họ không chào đón và chấp nhận những cơn đau tê tái khi cơ bắp bị kéo dãn trong phòng gym hay không thấy hứng thú với việc cân nhắc thực đơn của bản thân.

Mọi người muốn tạo ra 1 công ty của riêng mình hay trở nên tự chủ tài chính. Nhưng họ sẽ không có một khởi nghiệp thành công nếu không dám đương đầu với rủi ro, sự bất ổn, những thất bại dồn dập và số lượng giờ làm việc kinh khủng cho một thứ mà ngay chính bản thân họ còn không biết là sẽ ra gì không.

Câu hỏi quyết định sự thành công của bạn không phải là “Điều gì mà bạn muốn tận hưởng?” Nó là, “Khó khăn nào mà bạn muốn được trải qua?” Chất lượng cuộc sống của bạn được quyết định bởi việc bạn trở nên giỏi trong việc giải quyết càng nhiều vấn đề khó khăn càng tốt.

Có một số người thì hay rao giảng một cách sáo rỗng, “Bạn phải học cách cảm thấy ĐỦ trong cuộc sống!”

Ai cũng mong muốn một cái gì đó, và ai cũng đủ mong muốn giành cho một cái gì đó. Vấn đề là họ không nhận ra cái gì chỉ là cái họ muốn, còn cái gì là cái mà mong muốn của họ đủ lớn để biến nó thành hiện thực.

Nếu bạn thấy bản thân muốn 1 điều gì đó năm nay qua năm khác và không có gì xảy ra cả, bạn chẳng đến gần hơn với nó một chút nào, thì có thể là đó chỉ là một lý tưởng của bạn, bạn không thực sự có mong muốn đủ lớn giành cho nó, bạn chỉ yêu thích cảm giác có 1 mục tiêu to lớn để mong muốn. Hay tệ hơn là bạn còn chẳng hề muốn nó nhưng vì 1 số lý do bạn lại xem nó như mục tiêu của mình.

Phần lớn thời niên thiếu của mình, tôi nuôi dưỡng ước mong trở thành một nhạc sĩ — cụ thể hơn là một ngôi sao nhạc rock. Tôi thường nằm dài, nhắm mắt lại và tưởng tượng ra cảnh bản thân mình ở trên sân khấu chơi những bản nhạc ngầu nhất mình biết, dĩ nhiên ở dưới là cả một đám đông đang la hét và bắt đầu khoe vú, mọi người phát cuồng vì những ngón tay ngọt ngào của tôi. Giấc mơ này có thể chiếm lấy đầu óc tôi hàng giờ, nó vẫn theo đuổi tôi suốt cả quãng thời gian cao đẳng và ngay cả khi tôi không còn chơi nhạc một cách nghiêm túc nữa. Tôi vẫn còn muốn được một lần đứng trên sân khấu và làm đám đông gào rú lên, nhưng vấn đề là khi nào? Đầu tiên tôi phải hoàn thành việc học, rồi tôi phải tìm cách kiếm tiền, sau đó tôi phải dành thời gian cho gia đình và các mối quan hệ, rồi sau đó… không có sau đó nữa.

Mặc dù giữ lấy ước mơ đó gần nửa cuộc đời, thực tế lại chẳng có gì đến cả. Tôi đã mất một khoảng thời gian dài và rất nhiều trăn trở để tìm ra được lời giải cho vấn đề của mình: tôi chả bao giờ thích nó đủ cả.

Tôi yêu kết quả — đứng trên sân khấu, mọi người cổ vũ, tôi khuấy động không gian, rót cả tâm hồn vào thứ âm nhạc tôi đang chơi — nhưng tôi lại không yêu thích việc tập luyện cho lắm. Vì vậy, tôi thất bại. Hết lần này đến lần khác.

Một lịch tập muốn đứt tay diễn ra hàng ngày, việc tìm một nhóm nhạc và phòng thu, việc tổ chức những buổi diễn, việc tìm xem có ai sẽ đến buổi diễn. Dây đàn bị đứt, tube amp bị cháy, tha 18kg thiết bị đi đến phòng thu và về nhà. Đó là một ngọn núi cao hàng dặm để trèo tới giấc mơ. Và tôi thì không thích leo trèo lắm. Tôi chỉ thích nhìn lên và mơ về đỉnh núi.

Nền văn hóa đại chúng sẽ cho rằng tôi là kẻ thất bại đáng thương. Những cuốn sách self-help sẽ nói là tôi không có đủ can đảm, không có lộ trình đúng đắn, không đủ cương quyết hay không đủ tin tưởng vào bản thân. Đám đông khởi nghiệp sẽ cho rằng tôi hèn nhát và từ bỏ giấc mơ để thỏa mãn những nguyên tắc xã hội tầm thường. Tôi sẽ được khuyên là lập ra bản cam kết với bản thân, đề ra kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn, hay tham gia các hội nhóm có cùng hướng đi.

Nhưng sự thật chỉ đơn giản là: Tôi từng nghĩ mình muốn cái này, rồi tôi nhận ra mình không thích nữa. Hết chuyện!

Có những thứ tôi muốn nhưng tôi không muốn bỏ ra quá nhiều để đạt được nó.

Việc bạn là ai được quyết định bởi những giá trị mà bạn sẵn sàng đấu tranh để đạt được. Những người thích ăn hành trong gym thì có cơ thể hấp dẫn. Những người thích dành nhiều thời gian cho công việc và thực sự quan tâm đến chức vị sẽ đạt được nó. Những người yêu thích sự tự do nhưng bấp bênh và đầy áp lực của một nghệ sĩ sẽ trở thành một nghệ sĩ giỏi.

Đây là điều cơ bản nhất của cuộc sống mà bạn phải biết: những gì bạn chọn để đương đầu sẽ dẫn tới những thành công bạn đạt được. Vậy nên hãy chọn những khó khăn một cách khôn ngoan.

Dịch bởi Nguyễn Phúc Duy