MẠNG XÃ HỘI không phải là vấn đề, chính CHÚNG TA

Khi tôi còn là một thằng nhóc, có rất nhiều cuộc bàn luận nghiêm trọng ở nhà thờ, trường học và trước Quốc Hội về vấn đề liệu thứ âm nhạc tôi và lũ bạn của mình đang nghe có phải đang thờ Satan không.

Tôi còn nhớ mẹ thằng bạn mình bắt nó phải quăng đống đĩa của Metallica vào sọt rác. Còn thì tôi đã giấu nhãn cảnh báo phụ huynh khi xin mẹ tiền mua một album mới của Pantera. Ba tôi thì bẻ làm đôi đĩa CD Bone Thugs-N-Harmony của tôi khi ổng nhận ra họ chửi tục còn nhiều hơn là tên của Nixon được nhắc đến ở Campuchia.

Nếu bạn chưa biết, thì đây là album gây ra sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại nè.

Thời gian trôi qua, khi tôi đã thành một thanh thiếu niên, người lớn đã thôi để ý tới âm nhạc phản cảm và bắt đầu chuyển định kiến quái quỷ của họ sang các video game bạo lực. Cuộc thảm sát Trường Trung Học Columbine đã tạo nên một nỗi lo lắng khủng khiếp về ngành giải trí bạo lực. Trước đó, những cuộc xả súng ở trường học vẫn rất hiếm khi xảy ra. Nên chỉ hợp lý khi giải thích rằng những hiện tượng khó hiểu như thế bắt nguồn từ một ngành giải trí kỳ lạ vừa mới thịnh hành này.

Ồ xin lỗi, đúng rồi nha. Video game này mới là nguyên nhân gây ra sụp đổ văn minh nhân loại.

Ngày nay, chúng ta cười phì những nhóm nhạc hair metal cuối thập niên 80 như những trò đùa vô hại trong khi loại nhạc hiphop gây sốc ở những năm đầu thập niên 90 lại trở thành nền móng của nền văn hóa hiện đại. Và qua hàng trăm các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ báo cáo rằng họ vẫn chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về chuyện chơi các trò chơi điện tử sẽ thúc đẩy người ta đi đến bạo lực.1

Thời gian đã giải quyết các vấn đề lo âu tập thể của chúng ta. Cái mới đã dần trở thành cái cũ, cái gây sốc trở thành cái được mong đợi. Song, ngày nay chúng ta đang vướng vào một cuộc khủng hoảng đạo đức khác – lần này là về mạng xã hội.

1. Một bị cáo mới

Thời thế đã đổi thay, nhưng vấn đề thì vẫn cùng một bản chất, “Sử dụng Smartphone có thể hủy hoại một thế hệ”, theo một bài trang nhất trên tờ The Atlantic. “Mạng xã hội có thể cướp đi tuổi thơ của chúng ta”, một bài khác nữa của tờ Bloomberg Businessweek. Tác giả Jaron Lannier đã tuyên bố trong cuốn sách Ten Arguments for Deleting Your Social Media Accounts Right Now của anh ấy (tạm dịch: Mười cuộc tranh luận vì sao nên xóa tài khoản mạng xã hội ngay lập tức) rằng “Chúng ta đang bị các kỹ thuật viên thôi miên mà chúng ta không thể nhận thấy, để phục vụ cho những mục đích mà ta không thể biết. Chúng ta đang là những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm”. Một tác giả năng nổ khác là Cal Newport đồng thời cũng là một giáo sư trường đại học Georgetown trong cuốn sách best seller của mình, Digital Minimalism (bản tiếng Việt “Lối sống tối giải thời công nghệ số”) thậm chí còn đi xa hơn, đã quả quyết rằng các ông lớn công nghệ (Big Tech companies) trên thực tế là “những gã mặc lên mình chiếc áo nông dân thuốc lá nhưng lại bán các sản phẩm gây nghiện cho lũ trẻ.”

Okay, okay nãy giờ tôi chỉ đùa. Vì đây mới thật sự là lí do khiến cho nhân loại diệt vong nè. Lần này tôi nghiêm túc.

Nhưng thực sự chưa có ai và dự án nào đẩy sự kích động đó lên cao trào như thước phim gần đây của Netflix là The Social Dilemma (Song đề xã hội). Tôi sẽ gọi đây là một bộ phim tài liệu ngoại trừ việc ta thấy rõ ràng nó thiếu vắng dữ liệu mang tính xác thực hay những bằng chứng khoa học trong đó. Thay vào đó, chúng ta được xem những cảnh tái hiện lặp đi lặp lại những lời cảnh báo được đưa bởi các “nhà chuyên môn” trong lĩnh vực công nghệ. Tất cả bọn họ chỉ đơn thuần là nhắc lại và củng cố các ý kiến của người kia trong suốt 94 phút.

Như trong một cuộc phát biểu của Donald Trump, The Social Dilemma kết tội người khác đúng như cách mà nó – bản thân nó – đang làm. Bộ phim là toàn bộ một đống quan điểm giống nhau được đưa ra mà không hề có quan điểm trái chiều nào. Lập trình viên Nir Eyal, đồng thời là nhà bảo vệ an ninh mạng, đã kể với tôi rằng ba tiếng phỏng vấn của anh ấy (và tất cả người khác) đã bị xóa ra khỏi bộ phim này, chỉ còn tầm khoảng mười giây về quan điểm hoài nghi trái chiều của một người tên Jonathan Haidt.

…bộ phim đang phát sóng trên Netflix này cho biết, một nền tảng có thuật toán làm ảnh hưởng đến lựa chọn và các quyết định của chúng ta hmmm…

Nhưng bên cạnh việc giấu đi những bất đồng quan điểm, bộ phim còn tùy ý tự thêm các hình ảnh lố bịch về cách mà mạng xã hội có thể làm suy đồi gia đình bình thường của bạn. Nó cho chúng ta thấy một vài video trên Youtube có thể khiến cho một cậu nhóc xấu số bị trầm cảm và dẫn đến những niềm tin cực đoan về chính trị. Một bé gái bị quấy rầy bởi những vấn đề về hình ảnh cá nhân và cảm thấy bất an vì ứng dụng Instagram, hay một gia đình không thể nói chuyện với nhau vì chuông điện thoại cứ liên tục reo. Và cuối cùng là một con quỷ siêu-thuật-toán đang cười thỏa mãn vì nó được quyết định sẽ cho ai xem những loại quảng cáo nào. (Không, tuy phóng đại nhưng cái này có thật, tôi nghiêm túc đó.)

Và tại sao bộ phim lại sử dụng những trò lố lăng và các tuyên bố phóng đại quá mức này? Đúng vậy! Vì thu hút và giữ lấy sự chú ý bằng cách tạo ra những tuyên bố kích động, hoang tưởng về “những người” xấu xa kia chính là cách họ nắm thóp bạn.

Nghe quen hông?

Carl Jung từng nói chúng ta chỉ trích người khác ở những điểm mà chúng ta ghét ở bản thân mình. Và không có sự mỉa mai nào hơn Netflix, một ông trùm của thuật toán gây
nghiện, lại đi đầu tư vào một bộ phim tài liệu chỉ trích các thuật toán gây nghiện khác cùng với lời tuyên bố rằng chúng là tội ác.

Ngày nay, mạng xã hội là một cái bao cát yêu thích để xả tất cả các vấn nạn xã hội của chúng ta. Nhìn xem, tôi đã từng. Chỉ mất tầm 6 phút lượn lờ trên Facebook để bạn có thể phát hiện ra rằng mình ghét loài người khủng khiếp như thế nào, theo cách mà bạn chưa từng nghĩ là có thể. Hồi đó tôi cũng từng bị cám dỗ đi tham gia vào chiến dịch chống đối mạng xã hội (anti-social-media), và việc sỉ nhục tất cả các ông lớn công nghệ là trò vui quen thuộc của tôi.

Vấn đề ở đây là thông tin (bản gốc là data, theo người dịch hiểu là thông tin).

Đấy, đã có rất nhiều nghiên cứu về mạng xã hội và ảnh hưởng của nó lên con người. Họ nghiên cứu cách nó ảnh hưởng lên người lớn, trẻ em, cách nó tác động đến chính trị và tâm trạng, lòng tự trọng hay sự hạnh phúc nói chung.

Câu trả lời chắc hẳn sẽ làm bạn ngạc nhiên. Mạng xã hội không phải là vấn đề.

Chính chúng ta.

2. Ba chỉ trích sai lầm thường thấy về mạng xã hội

Chỉ trích thứ nhất: Mạng xã hội gây hại đến sức khỏe tinh thần

Đúng là hơn hai thập kỉ gần đây chúng ta đã thấy tỉ lệ tự tử, trầm cảm và âu lo tăng vọt một cách đáng lo ngại, đặc biệt là ở người trẻ. Nhưng nguyên nhân không hoàn toàn là do mạng xã hội.

Hầu hết các nghiên cứu đáng sợ về thói quen sử dụng mạng xã hội là loại nghiên cứu tương quan (correlational research). Có nghĩa là, họ đơn thuần là quan sát người ta đã dành bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội, sau đó họ nhìn xem liệu những người này có bị lo âu hoặc trầm cảm hay không. Rồi họ xem rằng những người lượn lờ trên mạng xã hội cả ngày có phải là những người bị trầm cảm hoặc âu lo hay không. Hầu hết kết quả cho thấy họ đều bị.

Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 đã cho thấy mối liên quan giữa thời gian lướt mạng và sự gia tăng triệu chứng trầm cảm và động lực tự sát.2 Đây chỉ là một trong nhiều nghiên cứu tương quan có cùng một kết quả này, rằng: “càng sử dụng mạng xã hội nhiều = càng nhiều người trẻ bị trầm cảm.”

Nghe tệ quá hen?

Nhưng vấn đề của các nghiên cứu này giống như kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Là vầy nè, do việc dùng nhiều mạng xã hội làm cho tụi nhỏ trầm cảm? Hay là vì do đã trầm cảm sẵn rồi nên tụi nó mới dùng nhiều mạng xã hội?

Đấy chính là cái dở của kiểu nghiên cứu tương quan. Chúng chỉ có thể chỉ ra hai sự kiện xảy ra cùng một thời điểm. Chúng không cho ta biết được liệu hai sự kiện này có liên quan với nhau không. Ví dụ, tỉ lệ ly hôn ở tiểu bang Maine có liên quan rất nhiều đến việc tiêu thụ bơ thực vật. Nhưng mà đương nhiên rồi, làm gì có chuyện bơ thực vật lại là nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn cơ chứ.

Sự thật là, dạng nghiên cứu tương quan này khá là ngáo. Nó toàn chỉ ra mấy điều cơ bản và kết quả mang lại cũng không hữu ích mấy. Ấy vậy mà tại sao người ta vẫn dùng?

Hẳn rồi, người ta dùng nó vì nó dễ. Thật dễ để đi vòng quanh đâu đó hỏi tầm một trăm đứa trẻ xem tụi nó dùng mạng xã hội bao lâu một ngày, rồi hỏi xem tụi nó có thấy muộn phiền hay bế tắc gì không, và sau đó về viết một bảng thống kê. Nhưng sẽ rất, rất khó nếu tóm cỡ một ngàn đứa và theo dõi chúng trong mười năm để tính toán xem những sự thay đổi trong việc dùng mạng xã hội của tụi nhỏ tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần của chúng qua ngần ấy năm. Việc đó sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, tiền bạc và nhân lực. Nhưng đó cũng chính là cách để bạn thực sự biết mạng xã hội có gây ra những vấn đề về sức khỏe tinh thần hay không.

May thay, có những nhà nghiên cứu đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và thời gian của mình để thực hiện các nghiên cứu dài hạn (longitudinal study), và kết quả là:

  • Các nhà nghiên cứu tại Đại Học Brigham Young đã theo dõi cách sử dụng mạng xã hội và sức khỏe tinh thần của 500 cá thể, độ tuổi từ 13 đến 20, bắt đầu từ năm 2009 đến năm 2017. Hơn một nửa những người này sử dụng mạng xã hội mỗi ngày trong thời gian đó. Và nhiều người trong số họ dùng ít nhất một tiếng mỗi ngày. Sau tám năm, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự tương quan nào giữa trầm cảm/lo âu và việc dùng mạng xã hội.3
  • Một nghiên cứu tương tự khác đã được thực hiện ở Phần Lan, lần này họ theo dõi 2,891 trẻ vị thành niên từ năm 2014 đến năm 2020. Tiếp tục, họ cũng không tìm thấy mối liên kết nào giữa việc dùng mạng xã hội và các triệu chứng âu lo hay trầm cảm.4
  • Một nghiên cứu khác với 600 học sinh trung học và sinh viên đại học ở Canada. Lần này họ cũng thấy rằng việc sử dụng mạng xã hội không dẫn đến các triệu chứng trầm cảm.5

Thế nhưng còn hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out: nỗi sợ bị bỏ rơi) thì sao? Hay chuyện đi rình rập tường nhà người khác (stalking)? Và còn nỗi ghen tị khi nhìn vào cuộc sống tươi đẹp của những người bạn trong list friend thì sao?

Một nghiên cứu của Đức đã theo dõi 514 người hơn một năm đã nhận thấy rằng những người dùng mạng xã hội càng lo âu, càng buồn thảm thì có vẻ như họ càng đi “stalk” và càng đi tìm thỏa mãn (trong sự đố kỵ) trong cuộc sống của người khác trên mạng xã hội. Một bài nghiên cứu như trên, của Canada cũng chỉ ra những triệu chứng trầm cảm ở các cô gái dự báo việc sử dụng mạng xã hội của họ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu bắt đầu hướng đến kết luận rằng chính âu lo và buồn chán là nguyên nhân dẫn chúng ta đến việc sử dụng mạng xã hội một cách tệ hại – chứ không phải là ngược lại.6

Về cơ bản là vầy: cái quả trứng chết tiệt ấy có trước. Lo âu/trầm cảm dẫn đến việc gia tăng ham muốn và thèm khát sử dụng mạng xã hội. Bạn càng lăn tăn suy nghĩ nhiều trong đầu, bạn càng có xu hướng ngồi đó cả ngày trố mắt ra nhìn những tấm hình mới nhất, phô trương nhất của bọn ngốc đăng trên newsfeed của bạn.

Có những nghiên cứu mà chắc bạn chưa bao giờ nghe tới như năm 2012, có một nghiên cứu cho thấy rằng việc đăng status lên Facebook có thể làm giảm đi cảm giác cô đơn.7 Hoặc một cái gần đây thấy rằng hoạt động trên Twitter có khả năng gia tăng hạnh phúc.8 Hay nói đúng hơn là, nó chỉ ra rằng hoạt động trên mạng xã hội có thể giảm đi các triệu chứng trầm cảm hay lo âu.9

Những người trong số chúng ta từng chứng kiến cột mốc 2004 sẽ biết mạng xã hội tuyệt vời như thế nào – chúng kết nối chúng ta với tất cả mọi người một cách dễ dàng chưa từng thấy. Những lợi ích thuở ban đầu đó diễn ra rất nhanh chóng và hiển nhiên đến nỗi chúng ta dần bị lệ thuộc vào chúng và xem chúng là lẽ thường tình trong cuộc sống.

Đặc biệt là vì trong mười năm qua, chính trị đang dần gặp nhiều trở ngại hơn.

Chỉ trích thứ hai: Mạng xã hội là nguyên nhân của chủ nghĩa cực đoan và cực đoan hóa chính trị

Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến hàng loạt sự kiện về chủ nghĩa dân túy trên thế giới. Chúng ta đã được chứng kiến nhiều cuộc biểu tình công khai lớn hơn và thường xuyên hơn hoặc những sự áp dụng chính thống các thuyết âm mưu hay những cuộc tranh luận rất rất khó ưa trên Twitter. Việc tiếp nhận quá nhiều những cuộc diễn ngôn chính trị trên mạng xã hội cho ta thấy thật hợp lí khi cho rằng nó chính là nguyên nhân cho tất cả các vấn đề của chúng ta.

Nhưng có ba cơ sở (fact) cho thấy rằng mạng hội không phải là thủ phạm:

  1. Các nghiên cứu cho thấy rằng sự phân cực chính trị gia tăng hầu hết ở những thế hệ lớn tuổi – những người mà dùng mạng xã hội rất ít. Còn các thế hệ trẻ hơn, những người sử dụng mạng xã hội nhiều thì thường theo xu hướng có quan điểm ôn hòa.10
  2. Sự phân cực đã được lan rộng ra ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác từ những năm 1970, rất lâu trước khi có sự ra đời của Internet.11
  3. Sự phân cực không xảy ra phổ biến trên khắp thế giới. Trên thực tế, vài quốc gia đang trải qua những sự phân cực ít hơn so với nhiều thập kỷ trước.12

Đã có nhiều giải thích về vấn đề phát triển sự phân cực chính trị và chủ nghĩa dân túy mà không cái nào liên quan đến mạng xã hội. Lời giải thích rõ ràng nhất là sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Hay sự khác biệt về trình độ học vấn giữa các nhóm tuổi khác nhau. Dân số nhập cư tăng và chủ nghĩa đa văn hóa. Toàn cầu hóa hay tiền lương trì trệ. Vân vân và mây mây.

Thế còn chuyện thông tin sai lạc và các thuyết âm mưu trên mạng thì sao?

Well, các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng mặc dù có sự gia tăng đột ngột số lượng “fake news” (tin giả), nhưng hầu hết mọi người không tin vào nó. Thực ra thì, đa số những người chia sẻ tin tức giả mạo trên mạng xã hội không phải là vì họ tin rằng nó đúng, chỉ đơn giản là bởi vì nó giúp họ “ra oai” với bạn bè trên mạng mà thôi.13

(Ừ… con người là vậy đó)

Không chỉ vậy, nghiên cứu cho rằng gần như mọi tin tức giả không bắt nguồn từ mạng xã hội, nó thực ra bắt nguồn từ tin tức truyền hình.14

Điều này thực sự có lý. Fake news dường như chẳng phải thứ gì mới mẻ lắm. Trở lại những thế kỷ 18 và 19, người ta thường ẩn danh xuất bản những tờ báo hay những tờ rơi về các tin đồn kinh tởm về đối thủ chính trị của mình. Những năm 1790, một tờ báo, được Thomas Jefferson bí mật tài trợ, đã viết nhiều thư gửi tòa soạn (OP-ED: Opposite the Editorial page) mang tính vu khống khẳng định rằng George Washington sẽ tuyên bố mình là vua của nền cộng hòa mới. Hay trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (The Civil War hay American Civil War), các tờ báo phía nam đã tuyên bố rằng Abraham Lincoln sẽ không chỉ bãi bỏ chế độ nô lệ mà còn ép người da trắng và người da đen kết hôn với nhau.

Chúng ta đã nhanh chóng làm sao khi quên đi “nỗi sợ cộng sản” của những người theo chủ nghĩa McCarthy (the “Red Scare” McCarthyism) trong những năm 1950, hay những cuộc đánh bom của những người cách mạng bên cánh tả đã tàn phá các tòa nhà chính phủ hay những trường đại học những năm 1970 hoặc những người xã hội chủ nghĩa bị bỏ tù vì niềm tin của họ vào những năm 1910. Với những kẻ cực đoan chính trị, bạn không cần phải đọc quá nhiều sách lịch sử để nhận ra rằng đây là chuyện thường ngày như đi chợ, chứ không phải thi thoảng mới có.

Mấy thứ nhảm nhí này chả có gì mới cả.

Chỉ trích thứ ba: Các ông lớn công nghệ (Big Tech Companies) đang kiếm lợi nhuận từ mấy vụ lùm xùm

Từ các mẹ bỉm sữa đến các người làm chính trị cho tới Cardi B, các ông lớn công nghệ ở thung lũng Silicon dần trở thành một bao cát quen thuộc cho mọi người. Mark Zuckerberg đã bị gọi lên trước Quốc Hội bốn lần vài năm trước bởi vì… ờ, tôi cũng không biết chính xác là vì cái gì. Tương tự, các giám đốc điều hành hàng đầu của Twitter, Google, Apple và Microsoft cũng bị lôi ra Washington “hành quyết” trước sự thỏa mãn của công chúng.

Cái giả thiết ở đây là mạng xã hội đang hủy hoại kết cấu xã hội và các công ty này hân hoan kiếm tiền từ đó.

Nhưng mạng xã hội không hủy hoại xã hội, thậm chí nếu nó làm thế, các các ông lớn cũng không tiếp tay cho việc đó, thực tế họ đang bỏ cả đống tiền để ngăn chặn chuyện này.

Những công ty này đã bỏ ra hàng tỉ USD với nỗ lực nhằm ngăn chặn những thông tin sai lệch và những thuyết âm mưu. Một nghiên cứu gần đây để xem liệu thuật toán của Google có đang khuyến khích những nội dung cực đoan hay không, đã đưa ra một kết quả ngược lại: Thuật toán của Youtube có vẻ như không theo hướng mong đợi của nghiên cứu, khi nó quảng bá các trang chính thống thường xuyên hơn so với những trang xàm xí vớ vẩn.15

Tương tự, Facebook đã chặn mười ngàn các nhóm thuyết âm mưu và các nhóm bạo lực vào năm ngoái. Đây là một phần trong chiến dịch của họ đang được tiến hành để dọn dẹp lại nền tảng của mình. Hai năm trước, họ cũng thuê đâu đó hơn mười ngàn nhân viên mới chỉ để ngồi xem qua liệu các trang web có mang thông tin sai lệch hay bạo lực không. Họ cũng đã trở nên nghiêm khắc hơn trong việc cấm chặn các tài khoản quảng cáo vào năm ngoái. Dẫn đến việc trước cuộc bầu cử, hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn các tài khoản quảng cáo của các doanh nghiệp hợp pháp bị bay màu mà không có lời giải thích nào.

Facebook không những không kiếm lời từ chuyện đưa ra các thông tin sai lệch, mà họ còn tốn cả đống tiền để dẹp bỏ chuyện đó nữa là. Dù bạn có đồng ý với chính sách hay những quyết định của bộ phận biên tập của họ hay không, bạn cũng không thể biện luận rằng họ đang không làm gì cả.

3. Nhưng rõ ràng có gì đó sai sai phải không?… Vậy thì nó là cái gì?

Khi tôi còn học trung học, có một lần trong Lễ tạ ơn, thằng anh họ James của tôi không ngừng lèm bèm về cái thứ gọi là “Y2K”. Hắn nói rằng bằng cách nào đó, tất cả các máy tính trên thế giới không được lập trình để xử lý các ngày bắt đầu bằng “19xx”, và năm 2000 đang dần đến, đây chắc chắn sẽ là một vấn đề… bla bla bla bla. Vì thế, tất cả các máy tính – mạng lưới điện, hệ thống ngân hàng, máy tính chính phủ, mọi thứ – sẽ tắt nguồn chính xác vào thời điểm bước sang năm mới và thế giới chính thức bước vào đường cùng. Rõ là tận thế.

Cả gia đình kinh ngạc nhìn chằm chằm vào hắn. Vài câu hỏi nghiêm chỉnh đã được đặt ra. Chúng tôi hầu như đã rất bối rối. James đã đưa cho chúng tôi một danh sách rợn người những-việc-phải-làm trong vòng năm tuần trước thời điểm Y2K: Bỏ cả nghìn đô ra để mua thức ăn đóng hộp, nước đóng chai. Ưu tiên mua hoặc thuê đất, nơi mà có thể sống dưới lòng đất. Trang bị súng và đạn dược. Vàng thỏi nữa. Xây hầm trú ẩn hoặc làm quen với ai đó đã có sẵn.

Cuối cùng, từng người một trong gia đình bắt đầu nói với anh họ tôi rằng hắn mất trí rồi. Hắn nổi sùng lên và nói rằng mình đang lo lắng cho sự an toàn của tất cả chúng tôi. Nhưng sau đó người lớn đã đổi chủ đề và bắt đầu tán dóc về công thức nấu món sốt hay gì đó tôi chả nhớ rõ nữa.

Chúng tôi không bao giờ nghe về Y2K lần nào nữa, và theo tôi nhớ là không ai (kể cả anh họ tôi) mua thức ăn đóng hộp hay nước đóng chai hay tự chôn mình trong một hầm trú bom ở giữa vùng đồi Texas cả. Đã có vài lỗi liên quan đến ngày tháng của phần mềm máy tính thật, nhưng hầu hết chúng đã được vá lỗi ngon lành trước khi đồng hồ điểm nửa đêm.

Chả có gì xảy ra cả. Người ta vẫn tổ chức tiệc tùng mừng năm mới như mọi khi. Và bây giờ Y2K không còn gì hơn là một trò đùa của chúng ta mỗi khi nhớ đến.

Trở về những năm 90, các thuyết âm mưu, như của thằng anh họ tôi, cũng là chuyện thường thấy như chúng ta ngày nay. Sự khác biệt ở đây là thời điểm này tin tức ít gây hại hơn nhiều vì các mối quan hệ xung quanh (social networks) của chúng ta sẽ dập tắt một cách mạnh mẽ từ khi chúng vừa mới manh nha. Vào cái đêm Lễ tạ ơn ấy, gia đình tôi đã phớt lờ anh họ tôi, không cho hắn cơ hội nào để lan truyền thông tin của mình.

Nhưng ngày nay, những người giống anh họ tôi bắt đầu lên mạng, tìm một diễn đàn, hay một group trên Facebook hoặc một Clubhouse (một ứng dụng mạng xã hội trò chuyện bằng âm thanh). Và tất cả các “Y2Ker” (ý chỉ những người tin thuyết âm mưu) bé nhỏ này tìm thấy nhau và họ dành cả ngày để trao đổi và xác nhận ý kiến lẫn nhau dựa trên giả thiết rằng thế giới này sắp kết thúc.

Facebook không tạo ra các Y2Ker. Nó chỉ tạo điều kiện cho họ tìm thấy nhau và kết nối – bởi vì Facebook đơn thuần trao cho mọi người cơ hội để kết nối và tìm thấy nhau, dù tốt hay xấu.

Một khi những người này tìm thấy và kết nối với nhau bởi niềm tin vào tận thế hay gì gì đó đại loại vậy, họ càng có động lực hơn trong việc đăng bài và tương tác với những người có cùng ý tưởng điên rồ đó. Nghĩ thử xem, những ai thấy đêm giao thừa năm 1999 bình thường sẽ chẳng có lí do gì để bàn tới. Chỉ có thằng anh họ của tôi là không thể im miệng và làm nhiễu cuộc trò chuyện suốt cả tiếng đồng hồ.

Sự bất cân xứng trong niềm tin rất quan trọng, vì niềm tin càng cực đoan và tiêu cực, thì người ta càng có nhiều động lực để chia sẻ nó với người khác. Và khi bạn tạo ra một diễn đàn to lớn để chia sẻ và kết nối thì… là thế đó, mọi thứ trở nên tồi tệ.

4. Nguyên tắc 90/9/1

Trước đây tôi có viết về một cái gọi là Nguyên tắc Pareto hay còn gọi là nguyên tắc 80/20. Nó là một “quy luật” tuyên bố rằng 80% kết quả sẽ đến từ 20% nguyên nhân hay quá trình gây ra. Lấy ví dụ, 80% doanh thu của một công ty sẽ đến từ 20% doanh thu khách hàng của họ; 80% cuộc sống xã hội của bạn sẽ được dành cho 20% số bạn bè của mình; 80% số tai nạn giao thông là do 20% số tài xế gây ra; 80% tội ác là do 20% con người thực hiện.

(Lưu ý: Quy luật 80/20 không phải lúc nào cũng vừa đúng 80/20, nhưng cái tiền đề vẫn giữ nguyên – phần lớn kết quả đầu ra được tạo ra bởi số ít đầu vào)

Những người nghiên cứu về mạng xã hội và giao tiếp trực tuyến đã tìm thấy một nguyên tắc tương tự để miêu tả thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội. Họ phong cho nó một cái tên gọi là “Quy luật 90/9/1”.

Quy luật 90/9/1 nhận thấy rằng ở bất cứ mạng xã hội hay diễn đàn trực tuyến nào thì chỉ có 1% người dùng sáng kiến (generate) ra 90% nội dung, 9% người khác thì nhào nặn (create) lại 10% nội dung, và 90% số người dùng còn lại thì hầu như chỉ im lặng quan sát.

Hãy gọi số người 1% đó là những người sáng tạo (creators), tạo ra 90% nội dung. Chúng ta sẽ gọi số 9% là những người gây chú ý (engagers) – vì phần lớn nội dung của họ là dựa trên nội dung của số 1% kia. Và những người 90% chỉ đơn thuần là quan sát, nên chúng ta sẽ gọi là những người ẩn nấp (lurkers).

Nghiên cứu về việc sử dụng mạng xã hội cho thấy mọi người có xu hướng đăng những thứ mà họ thực sự quan tâm một cách sâu sắc. Chẳng hạn như là đám cưới, lễ tốt nghiệp, tiệc sinh nhật của bọn trẻ, hay những âm mưu toàn cầu có thể phá hủy thế giới. Điều đó có nghĩa là hoặc những người tạo ra các nội dung ấy rất đam mê với nó hoặc nội dung ấy là một phần cuộc sống của họ.

Người gây chú ý thường có xu hướng bám theo người sáng tạo mà họ yêu thích và hợp ý với mình nhất. Bởi vì những người ấy đại diện các ý kiến và giá trị của họ tốt hơn họ tự đại diện cho bản thân mình. Những người gây chú ý là những người ước rằng mình có thể nói những gì người sáng tạo đang nói nhưng không có đủ thời gian/năng lượng/can đảm/tài năng để làm chuyện ấy. Vì thế các nhóm người gây chú ý này tụ họp lại xung quanh những người sáng tạo của họ để công nhận, ủng hộ, và bảo vệ họ trước những mối đe dọa.

Người ẩn nấp là những người bận rộn. Họ là những người luôn nghi ngờ, không chắc chắn hoặc đa nghi. Người ẩn nấp không để tâm đến mấy bình luận của bạn vì họ còn phải đi thay tã cho con hay đi nấu bữa tối và hơn nữa, ai trong số họ sẽ quan tâm đến việc liệu Illuminati có phải đứng sau vụ 11/9 không cơ chứ? Với họ, chả có gì thật sự thay đổi cả.

Phát hiện thú vị về mạng xã hội này gợi nhớ đến một lời than thở cổ xưa của Bertrand Russell: “Vấn đề chung của cả thế giới nằm ở chỗ những tên ngốc và cuồng tín thì rất chắc chắn về bản thân họ, trong khi những kẻ khôn ngoan thì lại luôn luôn hoài nghi.”

Người sáng tạo phần lớn đều là những kẻ ngốc và cuồng tín, những người luôn chắc chắn về bản thân mình. Họ là những người, giống như thằng anh họ James của tôi, luôn đăng những bài viết về tận thế. Họ chả xứng đáng là những nhà khiển trách, nhà đạo đức hay nhà tiên tri gì cả. Những thuật toán của các nền tảng kia không hẳn đã ủng hộ những tên ngốc và cuồng tín này – mà là do tâm lý con người (human psychology) ủng hộ những kẻ đấy và thuật toán chỉ đơn giản là phản ánh cho chúng ta thấy tâm lý của chính mình mà thôi.

Trong khi đó, người ẩn nấp – số 90% kia – là những người hầu như trung lập hơn (reasonable). Và bởi vì họ trung lập hơn, họ không thấy có ích gì khi phải dành cả buổi
chiều để tranh luận trên Facebook cả. Họ không chắc lắm về niềm tin của mình và vẫn cởi mở với những thứ khác. Và cũng bởi vì luôn cởi mở với những thứ khác, họ luôn do dự khi đăng công khai một cái gì đó mà họ chưa thực sự tin tưởng.

Do đó, phần lớn các niềm tin phổ biến không được chú ý và ảnh hưởng rất ít lên góc nhìn văn hóa tổng quát (overarching natural narrative).

Đây là lý do tại sao Internet trở thành một thế giới quái dị nơi mà thực tại bị nó bóp méo và biến đổi :

  • Những vấn đề tuy chỉ quan trọng với cái nhóm nhỏ (nhưng ồn ào) ấy lại ảnh hưởng đến cả số đông người kia. Năm ngoái, các cuộc tranh luận về phòng tắm cho người chuyển giới rùm beng trên Twitter và tốn một lượng lớn thời gian phát sóng trên truyền hình, kết quả dẫn đến vụ việc tẩy chay J.K. Rowling (A “cancelling” of J.K.Rowling) mà bất chấp rằng chỉ đâu đó nửa phần trăm dân số Mỹ là người chuyển giới. Trong khi đó, những vấn đề ảnh hưởng đến phần đông đại dân số như cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, tình trạng vô gia cư, sức khỏe tâm thần, vân vân và mây mây thì lại bị bỏ qua.
  • Bởi vì những quan điểm cực đoan và khác thường ấy gây ra một sự ảnh hưởng không cân xứng trên mạng trực tuyến, nên chúng ta đã bị nhầm tưởng rằng chúng phổ biến và thông thường. Đại đa số người dân Mỹ chấp thuận luật đeo khẩu trang trong mùa dịch, nhưng họ cứ nghĩ là mọi người phần lớn đều không đeo. Tương tự, có một quan điểm cho rằng ngày càng nhiều người trẻ tuổi “tỉnh thức” vì ủng hộ theo Lý thuyết Chủng tộc Phê Phán (Critical Race Theory), trong khi việc thăm dò ý kiến rõ ràng cho thấy những ý kiến này rất không phổ biến, xét trên mọi thành phần xã hội.
  • Con người ngày càng làm tăng mức độ cực đoan và phi lý của chủ nghĩa bi quan (pessimism). Bởi vì những người sáng tạo có xu hướng trở nên “tiên tri” (doomsayer) và cực đoan nên nhận thức chung về tình hình thế giới ngày càng có thiên hướng tiêu cực. Mặc dù theo hầu hết các phép đo thống kê – về sự giàu có, tuổi thọ, hòa bình, giáo dục, bình đẳng, công nghệ, vân vân – cho thấy chúng ta đang sống ở thời điểm tuyệt vời nhất trong lịch sử loài người, và thậm chí nó vẫn chưa khép lại, nhưng số liệu thăm dò ý kiến cho thấy mức độ lạc quan của các nước phát triển đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay.

Tất cả điều này có thể được tóm gọn trong một câu đơn giản: Mạng xã hội không phản ánh một cách chính xác xã hội thật.

Điều này nghe có vẻ dĩ nhiên, nhưng tôi thấy rằng đa số chúng ta luôn quên hết lần này tới lần khác. Chúng ta cho rằng mấy câu chuyện kinh khủng đang được lan truyền trên Facebook là thật. Chúng ta thấy những dòng bình luận tởm lợm bên dưới những bài post và tự nghĩ: “Con người điên hết rồi”. Chúng ta xem một video của một thằng ngu nào đó đang nói với một thằng cứt khác rằng trừ khi nó ghét một đứa ngu cụ thể nào đó, bằng không thì nó phải ghét tất cả những thằng ngu còn lại.

Nhưng đấy không phải là thực tế. Mạng xã hội không phản ánh thế giới thực. Mạng xã hội chỉ là một chiếc gương méo mó kì cục (fun-house mirror) của xã hội mà thôi, nơi sự điên khùng và phi thực tế bị kéo dãn và phóng đại, trong khi cái lành mạnh và bình thường thì bị đè nén và thu nhỏ đi.

Kết quả là chúng ta có một góc nhìn sai lạc về những chuyện đang diễn ra trên thế giới, nó có vẻ như luôn ở trong trạng thái cận tận thế – nhưng trong khi đó bạn ngắm nhìn mọi thứ bên ngoài cửa sổ, dẫn chó đi dạo hay gọi điện cho mẹ mình và mọi thứ vẫn ổn như mọi khi.

5. Đề cao tính tranh cãi và Sự đồng thuận.

Nhưng vẫn có một nhóm người mà cuộc sống của họ hoàn toàn bị mạng xã hội hủy hoại: đó là những người làm trong ngành truyền thông và giải trí (media and entertainment).

Dễ thấy nếu bạn là một nhà báo, một nhà sản xuất phim hay một phát thanh viên, thì mạng xã hội hoàn toàn làm cho cuộc đời bạn nghiêng ngả. Trong vòng mười lăm năm ngắn ngủi, nó đã làm đảo lộn công việc, công ty, sự nghiệp của bạn và chính vì thế mà cuộc sống của bạn bị quay cuồng theo đó.

Tại sao điều này lại là vấn đề?

Bởi vì 99% thông tin mà phần còn lại trong số chúng ta nhận được đều đến từ những người làm trong ngành truyền thông và giải trí.

Những người làm trong một tờ báo hay tạp chí hoặc một chương trình TV hoàn toàn kiếm chác từ các thông tin đến từ các nền tảng mạng xã hội này. Vì thế, dẫn đến một sai lầm, họ cho rằng người khác cũng đang làm như vậy trên này và họ tiếp tục viết về những tin tức của họ như thể nó là sự thật.

Nhưng hãy khoan đã, tự hỏi bản thân bạn xem cuộc-sống-đời-thật của bạn đã thực sự thay đổi như thế nào kể từ khi bạn tham gia Facebook và Youtube? Ngoại trừ việc ít xem TV và phim ảnh hơn. Có lẽ là không nhiều.

Sự thật là trừ khi bạn là một phần trong nhóm người sáng tạo, thì mọi chuyện không khác biệt mấy. Thứ bị thay đổi ở đây đơn thuần chỉ là nơi bạn tìm kiếm thông tin và sự giải trí, và đương nhiên là người làm ra cho bạn xem nữa.

Những thế hệ trước, chỉ có một vài kênh truyền hình, một vài đài phát sóng, và chỉ một vài dịch vụ về tin tức quốc tế. Bởi vì những kênh thông tin thời đó còn rất hạn chế, mọi người ít hay nhiều đều chỉ nhận được thông tin đến từ hai hay ba nguồn.

Do đó, nếu bạn điều hành một trong số ít các kênh thông tin ấy, việc sản xuất nội dung càng thu hút được nhiều người nhất có thể sẽ càng mang lại lợi nhuận cho bạn.

Walter Cronkite là một nhà báo truyền hình tại Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh được nhiều người cho là người đàn ông đáng tin cậy nhất nước Mỹ.

Vì thế, điều mà chúng ta thấy ở loại truyền thông truyền thống ở thế kỷ 20 là phần lớn họ cố gắng sản xuất nội dung dựa trên sự đồng thuận (consensus). Tin tức truyền tải theo cách mà mọi người đều có thể tán thành. Chương trình truyền hình thì phần lớn dựa trên chủ đề về những gia đình khuôn mẫu nhất có thể. Những chương trình trò chuyện thì tập trung vào các chủ đề mà ai ai cũng biết tới.

Nhưng nguồn thông tin bùng nổ với sự xuất hiện của Internet ngày nay. Mọi người đột nhiên có 500 kênh truyền hình, hàng tá kênh radio và vô số các trang web để lựa chọn.

Do vậy, chiến lược kiếm lời trong ngành truyền thông và giải trí không còn dựa trên sự đồng thuận nữa mà thay vào đó ngày càng trở nên mang tính tranh cãi (controversy).

Nếu người ta có 500 ý kiến được đưa ra, cách để bạn về một đội với người nào đó không phải là đối xử với họ giống như những người khác – mà đó là đối xử với họ khác với những người còn lại.

Tính tranh cãi này bắt đầu lan tỏa từ các nhà chính trị đến các phương tiện truyền thông rồi đến những người có ảnh hưởng (influencer) trên mạng xã hội. Ngày nay cách dễ nhất để thu hút sự chú ý của mọi người không còn là đăng tải điều gì đó một cách sâu sắc và thâm thúy – mà đó là chế nhạo lại sự sâu sắc và thâm thúy của người khác.

Những nhà chính trị mang quan điểm cực đoan thì có nhiều người theo dõi hơn những người trung lập.16 Bản thân những bài diễn thuyết chính trị đã trở nên phân cực hơn qua thời gian,17 và một lần nữa, sự phân cực này đến từ số người dùng ít ỏi nhưng sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ tạo ra, không ai khác chính là số 1% những người sáng tạo.18

Kết quả là bạn luôn cảm thấy thế giới xung quanh mình đang liên tục sụp đổ mỗi khi nhìn vào chiếc gương méo mó kì cục của đời thật này – nơi mà bạn lên mạng hoặc mở truyền hình cáp. Nhưng nó không như thế.

Và chiếc gương thực tại méo mó này được tạo ra không phải bởi mạng xã hội, mà nó là do những nguồn thu béo bở đến từ ngành truyền thông/giải trí – một nơi mà có nhiều nguồn cung cấp nội dung hơn là nhu cầu. Nơi mà nguồn cung cấp tin tức và thông tin còn nhiều hơn thời gian để tiêu thụ chúng. Một nơi mà con người có xu hướng để ý một vụ tai nạn xe hơi hơn là việc ngoài kia hàng trăm người đang lái xe bình thường, thậm chí là vui vẻ đi trên cao tốc.

6. Phần đông im lặng

Cái đời sống văn hóa mà chúng ta được nhìn thấy mỗi khi lên mạng giống như vậy nè:

The silent majority graph

Mạng xã hội không làm thay đổi nền văn hóa của chúng ta. Nó đã chuyển di nhận thức về văn hóa của chúng ta sang những góc nhìn cực đoan. Và trừ khi chúng ta nhận ra điều đó, hoặc sẽ không dễ dàng để đưa ra quyết định phải nên làm gì hay làm cách nào để tiến về phía trước.

Bạn có thể gây ảnh hưởng lên nền văn hóa chỉ đơn giản bằng cách thay đổi nhận thức của người khác về vài chủ đề nhất định nào đó. Sự kích động trên mạng xã hội trước những thứ không liên quan của họ đang đẩy nền văn hóa của chúng ta đến một nơi mà ta đề cao thái quá mạng xã hội và coi thường tâm lý của chính mình.

Thay vào đó, chúng ta phải đưa nhận thức của mình trở lại với một sự hiểu biết thiết thực và trưởng thành hơn về mạng xã hội. Để làm được điều đó, việc mỗi người trong chúng ta phải hiểu được những nội dung kiểu như Thanh Lọc Chú Ý (Attention Diet) hoặc Nền kinh tế Sự chú ý (Attention Economy) là rất quan trọng, mấy thứ ấy sẽ giúp chúng ta học cách bài trừ sự tiêu thụ thông tin (news consumption). Và như bạn biết đó, ta cũng có thể dành thời gian nhiều hơn để đi ra ngoài hít thở.

Sự khủng hoảng đạo đức (moral panics) tìm kiếm một tấm bia đỡ đạn để đổ tội cho những thứ chúng ta ghét phải thừa nhận về bản thân mình. Ba mẹ tôi và bạn bè của họ đã không thắc mắc tại sao lũ trẻ lại bị cuốn hút bởi những thứ âm nhạc hung hăng khiếm nhã như thế. Họ sợ rằng những thứ đó có thể tiết lộ một vài điều không hay về bản thân họ. Chi bằng, họ đơn giản cứ việc lên án những nhạc sĩ và các trò chơi điện tử ấy.

Tương tự như thế, đáng lẽ nên chấp nhận sự thật rằng những thứ linh tinh trên mạng trực tuyến là một phần của chúng ta – rằng những thứ thô thiển xấu xí của xã hội này đã và đang tồn tại qua nhiều thế hệ – thì chúng ta lại đổ tội cho những nền tảng mạng xã hội vì nó đã phản ánh một cách chính xác bản thân của mình.

Nhà tiểu sử vĩ đại Robert Caro đã nói: “Quyền lực không phải lúc nào cũng thối nát, nhưng quyền lực luôn bộc lộ ra ngoài”. Có lẽ điều này cũng đúng đối với những mạng lưới quyền lực nhất trong lịch sử loài người.

Mạng xã hội không làm cho chúng ta suy tàn, nó chỉ đơn thuần bộc lộ ra chúng ta là ai.

Translation credit: Nguyen Anh Duc and Nhi To Uyen Vo

Footnotes

  1. See: American Psychological Association (February, 2020) Resolution on Violence in Video Games.
  2. Twenge, J. M., Joiner, T. E., Rogers, M. L., & Martin, G. N. (2018). Increases in Depressive Symptoms, Suicide-Related Outcomes, and Suicide Rates Among U.S. Adolescents After 2010 and Links to Increased New Media Screen Time. Clinical Psychological Science, 6(1), 3–17.
  3. Sarah M. Coyne, Adam A. Rogers, Jessica D. Zurcher, Laura Stockdale, McCall Booth. (2020) Does time spent using social media impact mental health?: An eight year longitudinal study. Computers in Human Behavior, Volume 104, 106-160.
  4. Puukko, Kati; Hietajärvi, Lauri; Maksniemi, Erika; Alho, Kimmo; Salmela-Aro, Katariina. (2020). Social Media Use and Depressive Symptoms—A Longitudinal Study from Early to Late Adolescence. Int. J. Environ. Res. Public Health 17, no. 16: 5921.
  5. Heffer, T., Good, M., Daly, O., MacDonell, E., & Willoughby, T. (2019). The Longitudinal Association Between Social-Media Use and Depressive Symptoms Among Adolescents and Young Adults: An Empirical Reply to Twenge et al. (2018). Clinical Psychological Science, 7(3), 462–470.
  6. Scherr, S., Toma, C. L., & Schuster, B. (2019). Depression as a Predictor of Facebook Surveillance and Envy: Longitudinal Evidence From a Cross-Lagged Panel Study in Germany. Journal of Media Psychology, 31(4), 196–202.
  7. Deters, F. große, & Mehl, M. R. (2013). Does Posting Facebook Status Updates Increase or Decrease Loneliness? An Online Social Networking Experiment. Social Psychological and Personality Science, 4(5), 579–586.
  8. Jiang, Q. (2021). Social Media Usage and the Level of Depressive Symptoms in the United States (SSRN Scholarly Paper ID 3672093). Social Science Research Network.
  9. Thorisdottir, I. E., Sigurvinsdottir, R., Asgeirsdottir, B. B., Allegrante, J. P., & Sigfusdottir, I. D. (2019). Active and Passive Social Media Use and Symptoms of Anxiety and Depressed Mood Among Icelandic Adolescents. Cyberpsychology, Behavior, and Social Networking, 22(8), 535–542.
  10. Boxell, L., Gentzkow, M., & Shapiro, J. M. (2017). Greater Internet use is not associated with faster growth in political polarization among US demographic groups. Proceedings of the National Academy of Sciences, 114(40), 10612–10617.
  11. Desilver, D. (2014, June 12). The polarized Congress of today has its roots in the 1970s. Pew Research Center.
  12. Boxell, L., Gentzkow, M., & Shapiro, J. M. (2020). Cross-Country Trends in Affective Polarization (No. w26669). National Bureau of Economic Research.
  13. Pennycook, G., & Rand, D. G. (2021). The Psychology of Fake News. Trends in Cognitive Sciences, 25(5), 388–402.
  14. Tsfati, Y., Boomgaarden, H. G., Strömbäck, J., Vliegenthart, R., Damstra, A., & Lindgren, E. (2020). Causes and consequences of mainstream media dissemination of fake news: Literature review and synthesis. Annals of the International Communication Association, 44(2), 157–173.
  15. Ledwich, M., & Zaitsev, A. (2019). Algorithmic Extremism: Examining YouTube’s Rabbit Hole of Radicalization. ArXiv:1912.11211 [Cs].
  16. Hong, S., & Kim, S. H. (2016). Political polarization on twitter: Implications for the use of social media in digital governments. Government Information Quarterly, 33(4), 777–782.
  17. Garimella, K., & Weber, I. (2017). A Long-Term Analysis of Polarization on Twitter. ArXiv:1703.02769 [Cs].
  18. Shore, J., Baek, J., & Dellarocas, C. (2018). Network Structure and Patterns of Information Diversity on Twitter. MIS Quarterly, 42(3), 849–872.